Đặc điểm Sâm Ngọc Linh Thật
Để tránh mua phải sâm ngọc linh giả, kém chất lượng, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, chúng ta nên tìm hiểu kỹ cách phân biệt sâm ngọc linh thật – giả. Bài viết sau đây sẽ cung cấp các thông tin cần thiết để chúng ta nhận biết và lựa chọn sâm ngọc linh đúng cách.
Sâm Ngọc Linh tự nhiên có hai loại hình dáng khác nhau do quá trình nảy mầm và sinh sống khác nhau.
Vào tháng 9 và tháng 10 hàng năm, quả Sâm Ngọc Linh chín, lúc đó có các trận mưa cuối mùa cuốn hạt trôi nổi theo dòng nước. Các hạt có may mắn dạt vào hai bên hồ suối có tầng lá mục dày và có lẫn phù sa mầu mỡ, ở độ cao so với mặt biển từ 1600- 1800m trở lên, nhiệt độ thích hợp 16-20 độ, độ ẩm cao, độ che phủ ánh sáng 80% đến 90%, ,… Tất cả điều kiện sinh thái thích hợp, cây Sâm Ngọc Linh cho loại củ to, đường kính 4-5cm. những củ lâu năm nặng tới hàng kg
Bên cạnh đó, những hạt sâm không may mắn phải bám vào các hòn đá ghềnh có rêu phủ, bên cạnh bờ suối hoặc ở giữa dòng suối. Khi sâm ngọc linh mọc, mặc dù có độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, v.v .. thích hợp để có thể nảy mầm thành cây cũng sống qua nhiều năm và mỗi năm cho một đốt, nhưng thiếu ăn, “suy dinh dưỡng” có thân rễ Sâm nhỏ, với đường kính thường chỉ trên dưới 1cm và kéo dài đều đặn như một đoạn trúc khẳng khiu. Chính loại này đã bị trà trộn một loại Ráy rừng để làm giả.
Do đó, khi mua Sâm ngọc linh tự nhiên phải đặc biệt chú ý loại Sâm dài khẳng khiu này. Để chắc chắn, ta nên lấy dao lam cắt ngang củ Sâm ( thân rễ) thành từng lát mỏng. Lát đó có hình tương đối tròn, phần giữa có trắng nhạt mịn màng hoặc màu hồng tươi, không có sợi xơ (xenlulo ). Sau đó thấy xuất hiện một vòng nhựa trắng dưới lớp biểu bì (Sâm thật không có vòng nhựa này). Đích thị đó là loại Sâm giả. Nhìn kỹ thấy màu sắc bên ngoài hơi nhạt hơn so với sâm ngọc linh, không mùi và không có vị đắng đặc trưng , mắt thẳng hàng không so le, …
Sâm tự nhiên thường nhiều mắt, mắt lõm so le, khi cắt lát phần củ có màu vàng nhạt, phần thân hơi tím hoặc xám nhạt. Vân lát cắt đều, có sợi xơ nhỏ, nếm có vị đắng, sau ngọt ( ngọt hậu ). Sâm ngọc linh có mùi đặc trưng mà bất cứ loại sâm nào cũng không thể có được nên chỉ cần nếm là phân biệt được ngay.
Thân rễ cây sâm Ngọc Linh thường có nhiều đốt, cong ngoằn ngoèo, hiếm khi có hình trụ thẳng, mặt ngoài màu vàng xám hay màu nâu, có những vết nhăn dọc, mảnh, những vết vân ngang nổi rõ chia thân rễ thành nhiều đốt, đặc biệt có nhiều sẹo do thân khí sinh hàng năm tàn lụi để lại. Thể chất của thân rễ cứng chắc, giòn, dễ bẻ, mặt bẻ màu xám nhạt, lởm chởm. Thân rễ có mùi thơm nhẹ đặc trưng, vị đắng, hơi ngọt. Lớp bần gồm 4 – 6 hàng tế bào hình chữ nhật, thành hơi cong, màu lục, lớp ngoài thường bị bong rách ra. Tầng sinh libe-gỗ liên tục, các bó libe-gỗ có dạng hình thoi, phân cách nhau bởi tia tủy rộng. Mô mềm vỏ gồm những tế bào hình nhiều cạnh thường dày lên ở góc, chứa nhiều ống tiết và tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Gỗ gồm những tế bào thành dày, đặt trong mô mềm gỗ ít hóa gỗ.
Còn rễ củ có hình con quay, thường hợp thành bó 2 – 4 rễ củ hình thoi, đôi khi có rễ trụ dài. Thể chất rễ củ nạc, chắc, khó bẻ gãy, vị đắng, hơi ngọt. Rễ củ có màu nâu nhạt, có những vân ngang và nốt các rễ con. Lớp bần gồm 4 – 7 lớp tế bào hình chữ nhật, các lớp ngoài thường bị bong ra. Tầng sinh libe – gỗ liên tục gồm một lớp tế bào hình chữ nhật dẹt. Libe – gỗ xếp thành từng bó riêng lẻ, kéo dài theo hướng xuyên tâm. Tế bào gỗ thành dày, mô mềm gỗ không hóa gỗ. Mô mềm vỏ rộng, chiếm một nửa bán kính của rễ; bao gồm nhiều tế bào màng mỏng, kích thước và hình dạng thay đổi, chứa nhiều ống tiết và tinh thể calci oxalat hình cầu gai.
Thân rễ và rễ củ thường được thu hoạch vào tháng 9 – 12 trong năm, đem về rửa sạch, phơi nắng hoặc sấy khô ở nhiệt độ dưới 60 độ C và bảo quản ở nơi khô ráo trong các thùng đậy kín có chứa chất hút ẩm, tránh mốc mọt. Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc tán bột. Tác dụng bổ khí, bổ phế; chủ trị cơ thể suy nhược, phế hư viêm họng, đau họng…
Hiện nay, trên vùng núi Ngọc Linh còn một loại Sâm trồng bán tự nhiên. Loại sâm này có hình dạng đặc thù khác với Sâm ngọc linh tự nhiên. Chúng có hình dáng và kích thước khá đồng nhất, và khác với Sâm tự nhiên ở chỗ xung quanh các nốt sẹo do cây lụi theo mùa, còn có các khối u do rễ con phồng lên chứa chất dự trữ, nên loại sâm này phần củ to hơn phần thân, ít mắt, nhiều rễ.
Kết quả kiểm tra nhiều mẫu Sâm trồng và Sâm tự nhiên cho thấy Sâm ngọc linh tự nhiên có hàm lượng dược chất cao gấp 2-3 lần sâm trồng và cũng phát hiện được rất nhiều Sâm Ngọc Linh giả, kém chất lượng.
5 Điểm nhận biết Sâm Ngọc Linh từ bên ngoài
Quan sát các đốt của rễ củ sâm: thông thường số tuổi của sâm sẽ tương đương với số đốt trên phần rễ củ. Chú ý từ chân củ sinh ra một đốt có nghĩa là nhân sâm 2 năm tuổi, 2 đốt tương đương với 3 năm tuổi… tương tự như vậy người mua sẽ nhẫm được số tuổi của sâm ngọc linh.
Chú ý hình dáng chân của củ sâm: nếu là sâm ngọc linh thật thì càng nhiều tuổi phần chân của sâm càng to và rắn chắc.
Dựa vào số đốt của đầu củ sâm: các chuyên gia thường nhìn vào các đốt phần đầu củ sâm để xác định số tuổi. Ví dụ như sâm 4 năm là 2 đốt, 5 năm là 3 đốt, 6 năm tuổi là 4 đốt trở lên…
Dựa vào kích thước đầu củ sâm: Với sâm ngọc linh thật thì kích thước đầu và kích thước thân của củ sâm lâu năm thường gần bằng nhau. Do vậy, nếu là sâm giả thì người bán sẽ cố tình cắt bớt một phần đầu củ sâm để người mua khó nhận ra.
Dựa vào đường vân của ruột củ sâm: nếu dùng dao cắt ngang khoảng 2-3 cm cách về phía đầu củ, quan sát sau khoảng 5 phút, dùng ngón tay hoặc lòng bàn tay xoa lên bề mặt vừa cắt. Khi nhựa củ sâm chảy ra, các đường vân nổi lên tương ứng với số tuổi sâm.
Phân biệt Sâm Ngọc Linh thật giả bằng thí nghiệm
– Định tính hợp chất saponin toàn phần theo chuẩn MR2, G-Rg1, G-Rb1 bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng
– Định tính saponin toàn phần bằng phương pháp hóa học
– Định lượng hợp chất saponin toàn phần theo chuẩn MR2 bằng phương pháp đo quang
– Xác định hàm lượng MR2, G-Rg1, G-Rb1, G-Rd bằng phương pháp HPLC
Cảnh báo tình trạng Sâm giả dưới chân núi Ngọc Linh
Chính nguồn gốc xuất thân cũng như giá trị của sâm ngọc linh mà phát sinh thực trạng sâm giả dưới chân núi Ngọc Linh. Thông tin về loại thảo dược sâm ngọc linh có tác dụng hỗ trợ sức khỏe thần kì đã nâng nhu cầu tìm mua loại cây này lên cao. Song trên thực tế sâm tự nhiên rất hiếm, khó lòng cung ứng trên thị trường.
Tuy nhiên để đánh lừa người tiêu dùng nhiều thương lái đã rất tinh vi trong việc tuyển chọn những củ rễ tam thất có hình dạng giống sâm ngọc linh, đồng thời giả dạng là người dân tộc di chuyển quanh núi Ngọc linh để đánh lừa người đi đường.
Qua quan sát hàng ngày của các cơ quan chức năng thì có rất nhiều đối tượng khả nghi lưng mang gùi có chứa “sâm ngọc linh” để đánh vào tâm lý người miền xuôi là cư dân sơn cước vô cùng thật thà, không biết dối gạt ai bao giờ. Do đó họ sẵn sàng bỏ vài chục triệu để thu mua vốn quý của thiên nhiên. Mà không hề hay biết đã dính vào ma trận mang tên sâm ngọc linh.
Cứ như thế hàng ngày những cái bóng này lầm lũi dưới chân núi Ngọc Linh. Với các mác là dân bản địa và trên gùi là những củ rễ quý được tìm thấy trong quá trình vượt thác ghềnh gian nan.
Làm giả Sâm Ngọc Linh từ củ gáy
Có rất nhiều phi vụ hô biến củ gáy thành sâm ngọc linh diễn ra suôn sẻ, đánh lừa rất nhiều người miền xuôi về loại rễ thần kỳ này.
Theo lời kể của người dân nơi đây thì củ gáy thực chất là loại cây lạ, có hình dáng và điều kiện sinh trưởng giống sâm ngọc linh, tuy nhiên dược chất hoàn toàn khác biệt. Củ gáy có độc tính thường sẽ gây ngứa khó chịu khi chạm vào, theo kinh nghiệm dân gian một số ít người dùng củ gáy để chữa mụn, viêm ngoài ra không có tác dụng điều trị bệnh. Có thể tìm mua củ gáy với giá vài trăm ngàn.
Tuy nhiên, từ một giống cây có giá trị thấp chỉ qua hô biến của những người sành sỏi thì củ gáy bỗng chốc biến thành thượng dược có giá từ vài chục đến cả trăm triệu.
Theo điều tra chúng tôi ghi nhận được một thủ thuật hô biến củ gáy thành sâm ngọc linh vô cùng tinh vi. Củ gáy tươi rửa sạch đem luộc từ 3-5 nước cho chín, sau đó phơi 2-3 nắng cho bay bớt nước, rồi dùng kim châm, công đoạn này nhằm mục đích khử độc tính của của gáy. Tiếp đến nhúng củ gáy vào dung dịch corticoid để qua đêm, rồi phơi nắng. Làm vài lần như vậy rồi cuối cùng mang củ gáy ngâm vào nước cốt hồng đẳng sâm. Cứ ngâm và phơi đúng một tuần thì củ gáy sẽ trở thành y hệt sâm ngọc linh, từ hình đáng, mùi thơm đến vị bên trong. Điều quan trọng là khi dùng thời gian đầu sẽ có cảm giác ăn ngon, ngủ được, hưng phấn tinh thần, làm người ta tin hoàn toàn là sâm thật. Tuy nhiên, về lâu dài thì corticoid dung dịch gây mục xương và hàng loạt hệ lụy mà người tiêu dùng không thể ngờ.
Nhìn chung, không chỉ củ gáy thành sâm ngọc linh mà còn rất nhiều thủ thuật tinh vi, do vậy người tiêu dùng phải thận trọng trước mặt hàng này tránh tiền mất tật mang.
Làm giả Sâm Ngọc Linh từ Tam thất Vũ Điệp
Loại củ có hình dáng tương tự sâm Ngọc Linh và thường được nhiều người dùng làm sâm Ngọc Linh giả nhất đó chính là Tam thất vũ diệp. Tam thất vũ diệp còn có các tên thường gọi khác là tam thất hoang, sâm hai lần chẻ, hoàng liên thất… và có tên khoa học là Panax bipinnatifidus. Loại củ này thường phân bố chủ yếu ở phía Bắc nước ta và ở các tỉnh phía Nam, Tây Nam của Trung Quốc, Tam thất vũ diệp mọc ở độ cao 1900 – 2400m so với mặt nước biển, trong các khu rừng ẩm. Tại nước ta, cây mọc hoang ở vùng núi cao, lạnh thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai và rải rác quanh núi Hoàng Liên Sơn.
Công nghệ làm giả sâm Ngọc Linh từ Tam thất vũ diệp rất tinh vi. Họ lấy củ tam thất mang về rồi xay củ sâm Ngọc Linh thật ra lấy nước để ngâm với củ tam thất để chúng có mùi giống như sâm. Tam thất ngâm sâm không chỉ có hình dáng như thật mà còn có vị gần như sâm nên những người mua bình thường không thể nào phân biệt được sâm Ngọc Linh thật – giả.
Hình dáng củ Tam thất vũ diệp thì giống y như sâm Ngọc Linh nhưng các bạn có thể để ý thấy lá củ tam thất nhọn hơn và có lông tơ cứng hơn, ngoài ra, khi nấu nước uống thì củ tam thất sẽ có vị đắng nghét chứ không có vị đắng pha lẫn ngọt mát đặc trưng của sâm Ngọc Linh. Không chỉ thế những củ tam thất này được bơm chất kích thích trong quá trình trồng để cây lên mầm sớm và giúp vòng đời của cây nhanh hơn so với tự nhiên nhằm tạo nên những mắt giống củ sâm Ngọc Linh thật. Tinh vi hơn cả là vị đắng ngọt của sâm cũng được làm giả bằng cách tẩm hóa chất vào củ tam thất hoặc tiêm chất bảo quản để giữ cho củ được tươi lâu hơn.
Bài viết có thể bạn quan tâm: |
-Trần Quang-