Cây Đinh Lăng: Đặc điểm, công dụng và cách dùng

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]

Cây Đinh Lăng được mệnh danh là nhân sâm dành cho người nghèo, loài cây có tác dụng gần giống với nhân sâm. Đinh Lăng mang lại nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe như bồi bổ cơ thể, bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực, lợi sữa, điều hòa kinh nguyệt, ho lâu ngày, điều hòa kinh nguyệt,..

Để hiểu thêm về những tác dụng và cách sử dụng cây Đinh Lăng. Thân mời các bạn cùng Sản Phẩm Gia Truyền tìm hiểu kỹ hơn thông qua bài viết bên dưới!

Tìm hiểu về cây Đinh Lăng

Cây Đinh Lăng là cây gì?

Cây Đinh Lăng hay còn có tên khoa học là Polyscias fruticosa, thuộc họ Cuồng Cuồng. Ngoài tên gọi Đinh Lăng cây còn có những tên gọi khác như cây Gỏi Cá, Nam Dương Sâm.

cay-dinh-lang

Đặc điểm, nhận dạng

Cây Đinh Lăng thuộc loại thực vật thân gỗ nhỏ, có chiều cao từ 0.8-1.5m, thân gỗ nhẵn, không có gai. Lá xẻ có hình dáng giống lông chim, chiều dài lá giao động từ 20-40cm. Lá có răng cưa không đều, cuống lá nhỏ khoảng 3-10mm, đồng thời lá có mùi thơm nhẹ.

Hoa Đinh Lăng thường mọc thành từng cụm, hoa hình chùy dài từ 7-18mm, mỗi chùm hoa lại chứa nhiều hoa nhỏ bên trong. Trong đó, nhị hoa gầy, thường có 5 nhị, 5 tràng, bầu hạt có 2 ngăn. Quả Đinh Lăng hơi dẹp, bề dày của quả tầm 1mm và chiều dài của quả là 3-4mm. Mùa hoa quả Đinh Lăng thường xuất hiện vào tháng 4-7 hằng năm.

Đặc biệt, Đinh Lăng có rất nhiều loại, mỗi loại Đinh Lăng khác nhau sẽ có hình dạng và đặc điểm nhận dạng khác nhau:

  • Đinh Lăng lá nhỏ: lá Đinh Lăng mọc so le, mép lá có nhiều răng cưa, lá xẻ làm 3 phần trông giống với lông chim, mỗi lá nhỏ đều có cuống. Đây là loại cây Đinh Lăng được sử dụng phổ biến, lá Đinh Lăng nhỏ thường được sử dụng để làm gia vị và làm thuốc.  
  • Đinh Lăng lá to: lá Đinh Lăng to, thon dài, cây dễ nhận biết vì lá to hơn hẳn so với các loại lá Đinh Lăng khác.
  • Đinh Lăng lá vằn: lá Đinh Lăng này rất đẹp, lá vằn trông giống những cánh hoa, loại Đinh Lăng này rất hiếm và quý, thường được sử dụng để làm cảnh.
  • Đinh Lăng lá răng: lá Đinh Lăng xẻ răng cưa, bản lá tròn, thường được trồng làm cảnh.
  • Đinh Lăng lá bạc: lá Đinh Lăng xẻ hình răng cưa, viền lá có màu trắng, thường được trồng làm cảnh.
  • Đinh Lăng lá đĩa: cây Đinh Lăng to, lá to, thường được trồng để làm cảnh.
  • Đinh Lăng lá tròn: lá Đinh Lăng to, tròn, lá đốm xen kẽ màu xanh và màu trắng, cây thường được trồng để làm cảnh.

Nơi phân bố

Cây Đinh Lăng là một cây thông dụng, thường trồng nhiều ở nước ta, từ Bắc chí Nam. Ngoài Việt Nam, cây Đinh Lăng còn phân bố ở Trung Quốc và Lào. 

Thành phần dược chất

Các nghiên cứu đều cho thấy cây Đinh Lăng chứa nhiều dược chất quý, có lợi cho sức khỏe. Trong đó, rễ củ Đinh Lăng có chứa 8 loại saponin, các loại saponin này được các nhà khoa học phân lập có cấu trúc tương tự saponin có trong nhân sâm.

Ngoài ra, trong rễ và lá Đinh Lăng còn có chứa 20 loại axit amin, vitamin, khoáng chất, vi lượng cần thiết cho sức khỏe.

cu-dinh-lang-ngam-ruou

Bộ phận dùng làm thuốc

Trước đây, cây Đinh Lăng chủ yếu được sử dụng để làm cảnh, làm rau ăn sống và ăn kèm với gỏi. Tuy nhiên, những năm gần đây cây Đinh Lăng lại được sử dụng làm thuốc và được nhiều người đánh giá cao.

Toàn bộ cây Đinh Lăng đều được sử dụng để làm thuốc, trong đó rễ và lá cây Đinh Lăng được sử dụng phổ biến nhất.

Cây Đinh Lăng từ 3 năm tuổi trở lên sẽ được thu hoạch, lá sẽ được thu hái và phơi khô dùng dần. Còn rễ Đinh Lăng sẽ được thu hái bằng cách đào rễ, sau đó được đem đi rửa sạch, phơi hoặc sấy khô hoàn toàn rồi tiến hành bảo quản, sử dụng dần.

Tác dụng của Cây Đinh Lăng

Trong Đông y, rễ cây Đinh Lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát thường được sử dụng để làm thuốc. Còn lá cây Đinh Lăng có vị đắng, tính mát mang lại nhiều tác dụng tuyệt vời dành cho người sử dụng.

Rễ cây Đinh Lăng là bộ phận được giới khoa học đánh giá cao nhất, rễ Đinh Lăng có tác dụng bồi bổ khí huyết, lưu thông kinh mạch, lợi tiểu, có tác dụng tốt trong việc bồi bổ cơ thể, phục hồi sức khỏe, hỗ trợ điều trị suy nhược, gầy yếu.

Lá cây Đinh Lăng rất được người dân yêu thích, lá có tác dụng giải độc, kháng viêm, chống dị ứng, hỗ trợ điều trị mụn nhọt, ghẻ lở, kiết lỵ, ho ra máu,..

Đặc biệt, từ lâu dân gian đã quá quen thuộc với thân và cành cây Đinh Lăng được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh đau nhức xương khớp, phong thấp, tê mỏi chân tay.

Các nghiên cứu và thực nghiệm lâm sàng cho thấy dược chất có trong cây Đinh Lăng mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe người dùng. Cụ thể, cây Đinh Lăng có những tác dụng sau:

tac-dung-cua-cay-dinh-lang

+Bồi bổ sức khỏe cho sản phụ sau sinh

Các nghiên cứu cho thấy sản phụ sau sinh nếu được sử dụng lá cây Đinh Lăng để nấu canh hoặc hãm nước uống thì khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng và phục hồi sức khỏe sẽ tốt hơn.

+Ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị dị ứng

Dược chất có trong lá Đinh Lăng có tác dụng giải độc, chống dị ứng vô cùng hiệu quả. Do đó, những người đang bị dị ứng hoặc có nguy cơ dị ứng, ngộ độc thức ăn nên sử dụng lá Đinh Lăng hãm nước uống. Chỉ cần kiên trì thực hiện vài ngày những triệu chứng dị ứng sẽ dần biến mất, trả lại cho bạn một sức khỏe tốt.

+Hỗ trợ điều trị viêm tuyến vú, tắc tia sữa cho mẹ sau sinh

Trong dân gian, lá Đinh Lăng rất tốt cho phụ nữ sau sinh. Đặc biệt, những trường hợp phụ nữ sau sinh bị viêm tuyến vú, tắc tia sữa, không có sữa cho bé bú nếu được sử dụng lá Đinh Lăng sẽ giúp cho sản phụ sau sinh lợi sữa, tình trạng viêm tuyến vú được cải thiện.

+Rối loạn kinh nguyệt, đau bụng dưới

Trong Đông y, lá Đinh Lăng giúp lưu thông khí huyết, hỗ trợ điều trị rối loạn kinh nguyệt, giảm đau rất tốt. Do đó, sau thời gian sử dụng lá Đinh Lăng sức đề kháng của bạn sẽ được tăng cường, tình trạng đau bụng dưới và rối loạn kinh nguyệt được cải thiện đáng kể.

+Hỗ trợ điều trị những vấn đề về đường tiêu hóa

Lá Đinh Lăng hỗ trợ điều trị các vấn đề về đường tiêu hóa vô cùng hiệu quả. Trong đó, phải kể đến lá Đinh Lăng hỗ trợ điều trị đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu. Kiên trì sử dụng sau vài ngày, những triệu chứng trên sẽ dần biến mất.

+Giúp giảm đau, hỗ trợ điều trị đau lưng

Thời tiết thay đổi, cơ thể uể oải, khó chịu, đặc biệt những người lớn tuổi thường xuyên bị đau nhức xương khớp.

Một trong những biện pháp hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp hiệu quả được cha ông ta tin dùng đó là sử dụng lá Đinh Lăng nấu nước uống. Đây là cách làm đơn giản, mang lại hiệu quả cao.

+Lá Đinh Lăng giúp giảm đau đầu, hỗ trợ điều trị mất ngủ

Các nghiên cứu cho thấy dược chất saponin có trong lá Đinh Lăng có tác dụng hoạt hóa nhẹ, đồng bộ vỏ não. Do đó, tác động rất tốt đến hệ thần kinh, giúp an thần, giảm đau đầu, hỗ trợ điều trị bệnh mất ngủ.

Cách dùng Cây Đinh Lăng

Cây Đinh Lăng được sử dụng bằng nhiều cách khác nhau như sắc thuốc, ngâm rượu, nấu cao, dạng bột, chế biến món ăn.

cu-dinh-lang

Sắc thuốc

Sử dụng 40-100g lá Đinh Lăng tươi, rửa sạch, cho vào nồi, cho vào 200ml nước, nấu sôi trong vòng 7 phút để Đinh Lăng được ra hết dưỡng chất. Tắt bếp, rót nước ra ly và sử dụng.

Ngoài sắc nước uống các bạn cũng có thể sử dụng lá Đinh Lăng cho vào ấm pha trà hoặc bình giữ nhiệt, cho nước sôi vào, đậy kín nắp trong vòng 10 phút để những dưỡng chất có trong Đinh Lăng được ra hết, lúc này các bạn có thể sử dụng được.

Ngâm rượu

Rễ Đinh Lăng sau khi thu hái hoặc mua về các bạn rửa sạch, dùng dao cạo sạch lớp vỏ bên ngoài, rửa lại lần nữa cho củ được sạch hoàn toàn. Để củ Đinh Lăng được ráo nước, sau đó xếp vào bình thủy tinh. Từ từ cho rượu trắng 45 độ vào bình. Các bạn nên ngâm theo tỉ lệ 1kg rễ Đinh Lăng thì ngâm cùng 7 lít rượu.

Vặn kín nắp, để nơi thoáng mát tránh ánh nắng mặt trời. Rễ Đinh Lăng sau thời gian ngâm 3 tháng thì các bạn đã có thể sử dụng được, mỗi ngày dùng từ 30-50ml trong bữa ăn, sử dụng đúng liều lượng đã hướng dẫn, tránh lạm dụng.

Dạng bột

Rễ và lá Đinh Lăng sau khi đã phơi khô, nghiền thành bột, trộn với mật ong sao cho có thể vo tròn thành viên. Các bạn vo tròn thành viên, mỗi viên từ 0.25-5g. Mỗi ngày sử dụng 2 lần, mỗi lần từ 2-4 viên, uống cùng nước ấm để đạt được hiệu quả cao nhất.

Nấu cao

Bên cạnh đó, các bạn có thể sử dụng thân, cành, lá và rễ Đinh Lăng nấu cao, bảo quản ngăn mát tủ lạnh, sử dụng dần, rất tốt cho sức khỏe.

Chế biến món ăn

Ngoài ra, trong dân gian người dân vẫn thường sử dụng lá Đinh Lăng tươi ăn kèm với rau sống hoặc nấu canh, làm gỏi ăn rất mát.

bai-thuoc-tu-cay-dinh-lang

Một số bài thuốc từ Cây Đinh Lăng

Bài thuốc sử dụng lá Đinh Lăng hỗ trợ điều trị mề đay, mẩn ngứa

Sử dụng lá Đinh Lăng khô, rửa sạch, phơi khô. Mỗi ngày sử dụng 80g lá Đinh Lăng khô, sắc cùng 500ml nước, đun nhỏ lửa đến khi nước sắc còn 250ml thì có thể sử dụng được. Kiên trì sử dụng trong 10 ngày để mề đay, mẩn ngứa được lặn mất, trả lại cho bạn làn da trắng hồng, mịn màng.

Bài thuốc sử dụng lá Đinh Lăng hỗ trợ điều trị ho lâu ngày

Các bạn sử dụng 10-12g lá Đinh Lăng khô, sao vàng, nấu nhỏ lửa cùng với 200ml nước. Đun 5 phút cho những dưỡng chất có trong lá Đinh Lăng được ra hết, cho ra ly và sử dụng nước khi còn ấm. Kiên trì sử dụng nước Đinh Lăng bệnh ho sẽ thuyên giảm.

Bài thuốc giúp an thần, hỗ trợ điều trị bệnh mất ngủ

Sử dụng 24g lá Đinh Lăng khô, 20g lá Vông, 20g Tam Diệp, 15g Liên Nhục, 12g Tâm Sen. Các nguyên liệu trên các bạn đem sắc cùng 1 lít nước, đến khi nước sắc còn 300ml thì các bạn có thể sử dụng được. Chia nước sắc làm 3 lần, uống hết trong ngày, kiên trì sử dụng 5-7 ngày bệnh mất ngủ sẽ được cải thiện đáng kể.

Bài thuốc Đinh Lăng giúp bồi bổ cơ thể, giảm mệt mỏi

Sử dụng 0.5g rễ Đinh Lăng, rửa sạch, thái mỏng, sắc cùng 100ml nước. Đun sôi nhỏ lửa trong vòng 15 phút, tắt bếp, chia nước sắc làm 2-3 lần uống hết trong ngày. Các bạn kiên trì sử dụng đến khi sức khỏe được hồi phục.

Bài thuốc hỗ trợ điều trị đau lưng, nhức mỏi, phong thấp

Sử dụng 20g thân và cành Đinh Lăng, sắc cùng 1 lít nước, đun nhỏ lửa đến khi nước sắc còn 300ml thì có thể sử dụng được. Kiên trì sử dụng bệnh đau lưng, nhức mỏi, phong thấp sẽ được thuyên giảm.

Ngoài sử dụng Đinh Lăng, các bạn có thể sử dụng kèm cam thảo, rễ cây xấu hổ, cúc tần để giúp cho quá trình hỗ trợ điều trị đau lưng, nhức mỏi, phong thấp được hiệu quả hơn.

la-dinh-lang

Những lưu ý khi dùng Cây Đinh Lăng

Cây Đinh Lăng rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên khi sử dụng cây Đinh Lăng các bạn cần lưu ý:

  • Phụ nữ có thai không nên sử dụng cây Đinh Lăng.
  • Các bạn nên sử dụng Đinh Lăng đúng liều lượng đã hướng dẫn, không nên sử dụng liều lượng cao. Việc sử dụng liều lượng cao có thể gây nên một số tác dụng phụ ngoài ý muốn như đau đầu, mệt mỏi, nôn ói,..
  • Người đang mắc bệnh mãn tính nên tham khảo bác sĩ Đông y trước khi sử dụng cây Đinh Lăng.
  • Trước khi sử dụng cây Đinh Lăng nên tham khảo ý kiến thầy thuốc Đông y, tránh tự ý sử dụng.

Trên đây là những kiến thức chia sẻ về cây Đinh Lăng. Hy vọng những kiến thức trên sẽ bổ ích dành cho các bạn.

Có thể bạn quan tâm:

+ Tìm hiểu đặc điểm, công dụng và cách dùng Sâm Vũ Điệp

+ Cây Cỏ Tranh: Đặc điểm, công dụng và cách dùng

Chúc các bạn sử dụng cây Đinh Lăng hiệu quả!

Trả lời