Thời gian gần đây, “nhiễm độc chì” là cụm từ đang được nhắc tới rất nhiều trên các trang thông tin. Vậy nhiễm độc chì là gì và nó nguy hiểm như thế nào đối với sức khỏe con người, chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ hơn.
Chì (Pb) là một kim loại nặng, có màu xám xanh, được sử dụng trong rất nhiều hoạt động sản xuất như chế tạo xe hơi, đạn dược, thuốc nhuộm… Chì là nguyên tố có độc tính cao với sức khỏe con người. Chì tích lũy trong cơ thể sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ. Việc hít, nuốt hay hấp thụ phải chì đều có ảnh hưởng với cơ thể là như nhau. Cơ thể sẽ hấp thụ lượng chì nhiều hơn bạn khi hít thở.
Khi chì đã vào được trong cơ thể, nó sẽ được hấp thụ và lưu trữ trong xương, máu và các mô. Chì không ở lại mãi mãi, nó được lưu trữ trong cơ thể như một nguồn tiếp xúc nội bộ liên tục. Trẻ nhỏ nếu bị nhiễm độc chì thường sẽ ủ rũ, mệt mỏi, khó tập trung học hành
1. Chì vào cơ thể chúng ta như thế nào?
Do chì là kim loại không mùi, không vị nên chúng ta không thể phát hiện sự tồn tại của nó bằng mắt thường, chỉ khi kiểm nghiệm mới xác định được.
Chuyên gia cho biết, kim loại này có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta do hít bụi từ các loại sơn cũ có chứa chì; do tiếp xúc với nguồn nước, nguồn đất bị nhiễm độc chì; hít thở không khí độc hại từ hoạt động công nghiệp có chì… Ngoài ra, việc sử dụng các sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm, đồ chơi có chứa chì hay đưa tay dính chì, sản phẩm có chứa chì lên miệng cũng là một hình thức gián tiếp đưa chì vào cơ thể.
2. Biểu hiện khi bị nhiễm độc chì
– Biểu hiện nhiễm độc chì ở trẻ nhỏ:
Trẻ sẽ có biểu hiện hôn mê, bị co giật, ngủ lịm từng lúc, liệt; thái độ hành vi bất thường, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, ít hoạt động, cơ thể luôn mệt mỏi, mất các kỹ năng học, học kém, chậm phát triển tinh thần. Biểu hiện nặng trên thần kinh trung ương như hôn mê, co giật. Có tới 25-30% số trẻ này có di chứng như chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt… vĩnh viễn. Ngoài ra, trẻ bị nhiễm độc chì còn có thể bị đau bụng, chán ăn, thiếu máu.
Chuyên gia cho biết, một điều đáng lo ngại là đa số trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh rất kín đáo nên rất dễ bị bỏ qua, chỉ có thể phát hiện khi được tiến hành khám chuyên khoa kỹ lưỡng và xét nghiệm.
– Biểu hiện nhiễm độc chì ở người lớn:
Khi bị nhiễm độc chì, biểu hiện thường gặp ở người lớn là tinh thần lơ mơ, lẫn lộn, mê sảng, hôn mê, co giật, đau đầu, dễ buồn ngủ hoặc mất ngủ, mất trí nhớ, liệt, đau cơ, yếu cơ, đau khớp, cảm thất miệng có vị kim loại, bị chán ăn, táo bón, đau bụng từng cơn, thiếu máu. Người bị nhiễm độc chì còn bị giảm ham muốn tình dục, khả năng sinh sản, tăng nguy cơ bị sảy thai, đẻ non, thai nhi chậm phát, dị dạng thai…
– Bị nhiệm độc chì phải làm thế nào?
Nếu nghi ngờ bị nhiễm chì, bạn hãy đến các bệnh viện để xét nghiệm chì trong máu và làm các xét nghiệm lâm sàng.
Nếu bị nhiễm độc chì, bạn cần ngừng tiếp xúc với nguồn chì gây ra ngộ độc đồng thời bắt đầu chữa các biểu hiện ngộ độc chì như hôn mê, co giật, nếu thiếu máu nặng cần được truyền máu. Điều trị ngộ độc chì cần có thời gian, quá trình điều trị có thể kéo dài hàng tháng hoặc đến hàng năm do chì thường gắn chặt ở tận xương.
Nếu chì còn ở trên da, mắt, trong đường tiêu hóa và chưa bi hấp thu vào máu thì cần tẩy độc chì. Tắm rửa bằng xà phòng để loại bỏ chì trên da, rửa dạ dày, rửa ruột, nội soi gắp chì trong đường tiêu hóa ra ngoài. Có thể sử dụng thuốc giải độc để giúp đào thải chì qua đường nước tiểu.